BÀI VIẾT SỐ 4 - KẾT NỐI TRI THỨC VỚI CUỘC SỐNG | BÀI VĂN PHÂN TÍCH TÁC PHẨM TRUYỆN NGẮN "BÀI HỌC TUỔI THƠ" - NGUYỄN QUANG SÁNG

Ngày 10/12/2024 16:37:01, lượt xem: 2511

Ở bài học số 4 (bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống), các bạn sẽ được làm quen với dạng viết bài văn nghị luận phân tích một tác phẩm văn học (truyện). Đây cũng là một dạng bài trọng tâm mà học sinh lớp 9 cần phải lưu ý. Cùng Học Văn Chị Hiên tham khảo bài viết mẫu dưới đây để tham khảo cách triển khai bài viết hoàn chỉnh và đạt điểm cao.

 

 

Đề bài: Em hãy viết bài văn phân tích đặc sắc nghệ thuật và nội dung truyện ngắn “Bài học tuổi thơ” của nhà văn Nguyễn Quang Sáng.

 

Bài làm
Được mệnh danh là “cây đại thụ của văn học Nam Bộ”, trong suốt sự nghiệp sáng tác của mình, nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã có nhiều đóng góp nổi bật cho văn học Việt Nam. Ông đã để lại cho đời một kho tàng văn học đồ sộ với nhiều tác phẩm nổi tiếng như: “Chiếc lược ngà”, “Mùa gió chướng”, “Paris- tiếng hát Trịnh Công Sơn”, … Trong đó, tác phẩm “Bài học tuổi thơ” là một trong những truyện ngắn để lại cho bạn đọc nhiều tâm đắc bởi những bài học cuộc sống sâu sắc và nghệ thuật độc đáo.
Trước hết, truyện ngắn “Bài học tuổi thơ” gây ấn tượng mạnh mẽ với bạn đọc bởi chủ đề của tác phẩm. Tác phẩm kể về một bài văn bị điểm 0 của cậu học trò nhỏ lớp 6. Đề văn là “Tả ba em làm việc vào ban đêm” nhưng cậu bé lại nộp giấy trắng cho cô giáo. Chỉ tới khi cô giáo hỏi cậu rằng: “Sao trò không làm bài”, mọi người mới lặng đi khi biết được rằng cậu không có ba. Cậu bé trong câu chuyện đã dũng cảm thừa nhận những điều ấy vì cậu không muốn sống là một người giả dối. Có thể khẳng định rằng, với chủ đề đề cao tính trung thực, nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã thực sự truyền tải trọn vẹn những bài học cuộc sống đầy ý nghĩa tới bạn đọc.

 

ĐỌC THÊM: BÀI VIẾT SỐ 3 BỘ SÁCH KẾT NỐI TRI THỨC VỚI CUỘC SỐNG - LỚP 9 | VIẾT BÀI VĂN NGHỊ LUẬN VỀ MỘT VẤN ĐỀ CẦN GIẢI QUYẾT (Trong đời sống học sinh hiện nay)


Bê-ông Brit quan niệm: “Các nhân vật trong tác phẩm nghệ thuật không phải đơn giản là những bản dập của những con người sống mà là hình tượng được khắc họa phù hợp với ý đồ tư tưởng của tác giả”. Và để truyền tải được hết những “ý đồ tư tưởng” của mình, tác giả Nguyễn Quang Sáng đã xây dựng nhân vật cậu bé bị điểm 0 môn văn. Trong tác phẩm, cậu bé bị điểm 0 được nhà văn khắc họa qua hành động “cúi đầu làm thinh” trước câu hỏi của cô giáo về việc cậu không viết gì trong bài kiểm tra văn. Hành động “cúi đầu làm thinh” không phải là hành động né tránh câu hỏi mà hành động đó như nói lên nỗi buồn đang tràn ngập, chất chứa trong tâm hồn cậu. Và rồi cậu học trò lớp 6 ấy đã cất lên câu trả lời “thưa cô, con không có ba”. Trước câu trả lời đó, không chỉ cô giáo “đứng sững như trời trồng”, người ba nhân vật tôi “ngã quỵ xuống trước đứa học trò không có ba”, mà người đọc cũng không khỏi thương cảm trước những mất mát của cậu học trò nhỏ. Chi tiết “em không đáp, cúi đầu, hai giọt nước mắt chảy dài xuống đôi má” trước câu hỏi ngây thơ của người bạn trong lớp “sao mày không tả ba của đứa khác” đã trở thành “bụi vàng của tác phẩm”. Chi tiết đã khắc họa rõ nét nỗi đau, sự đáng thương của cậu học trò nhỏ. Nỗi đau thiếu vắng tình thương của người cha từ thuở lọt lòng đã trào dâng trước câu hỏi ngây thơ của cậu bạn cùng lớp. Có lẽ hơn ai hết, cậu bé bị điểm 0 ấy khao khát được sống trong tình yêu thương của cha, được miêu tả cha làm việc vào ban đêm. Cậu chấp nhận để giấy trắng, không lựa chọn “tả ba của đứa khác” đã thể hiện những tình cảm chân thành, sâu sắc của cậu dành cho cha- người đã hy sinh trên chiến trường biên giới. Hành động đó cũng đã góp phần tô đậm đức tính trung thực của cậu học trò nhỏ.


Bên cạnh chủ đề gần gũi mà cảm động, truyện ngắn “Bài học tuổi thơ” còn hấp dẫn bạn đọc bởi những nét nghệ thuật đặc sắc. Bằng ngòi bút tài hoa của mình, tác giả đã tạo nên câu chuyện với những tình tiết tuy không có sự cao trào đến nghẹt thở, nhưng lại tạo nên những chi tiết đẹp cho câu chuyện. Đồng thời, ngôn ngữ tự sự kể như đang cùng độc giả trò chuyện với những câu chuyện đời thường đã giúp người đọc cảm nhận sâu sắc hơn về ý nghĩa mà tác giả muốn truyền tải tới bạn đọc. Qua đó, “Bài học tuổi thơ” đã đề cao, ngợi ca sự trung thực trong cuộc sống và thể hiện tính triết lý trong văn chương của tác giả Nguyễn Quang Sáng.

 

ĐỌC THÊM: BÀI VIẾT SỐ 2 - BỘ SÁCH KẾT NỐI TRI THỨC VỚI CUỘC SỐNG || BÀI VĂN NGHỊ LUẬN PHÂN TÍCH ĐẶC SẮC NỘI DUNG VÀ NGHỆ THUẬT BÀI THƠ “TIẾNG ĐÀN MƯA” - BÍCH KHÊ.


Bằng lời văn mộc mạc, giản dị, nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã để lại trong lòng bạn đọc nhiều ấn tượng sâu sắc. Chính điều đó đã giúp tác phẩm “nằm ngoài sự băng hoại, mình nó không chấp nhận quy luật của cái chết”. Và tác phẩm là minh chứng rõ nét nhất cho nhận định: “Tác phẩm nhập vào tâm hồn và ý thức của bạn đọc, tiếp tục sống và hành động như một lực lượng nội tâm, như sự dằn vặt và ánh sáng của lương tâm.”

Đăng ký khóa học và đọc thêm nhiều bài viết hấp dẫn khác của Học Văn Chị Hiên tại đây:

Fanpage Học Văn Chị Hiên
- Fanpage Học Văn Chị Hiên - THCS Lớp 6,7,8,9
Khóa học Văn vip lớp 9 - 2k10

Khóa học Phương pháp và luyện đề lớp 9

Tin liên quan